Nỗi đau chính là chỗ dựa cho sự trưởng thành

Hạnh phúc đích thực

Trung tâm xử lý cảm xúc của chúng ta đảm nhận nhiệm vụ báo hiệu cho tâm trí và cơ thể thực hiện một loạt các tư duy và hành động phòng vệ trước nỗi đau cũng như duy trì khả năng tồn tại yên ổn trước những yêu cầu đòi hỏi phải đấu tranh sinh tồn. Tất cả những lý luận trí tuệ, tư duy xúc cảm, bộc lộ tính cách hay suy nghĩ có ý thức đều thông qua trung tâm xử lý cảm xúc trước khi được bộc lộ hoàn toàn ra bên ngoài.

Đọc thêm: Hạnh phúc là một quá trình chứ không phải đích đến

Hầu hết chúng ta hay đặt nặng và lưu giữ những ảnh hưởng tiêu cực của ngoại cảnh gồm tác động của lời nói, hành vi của người khác và những biến cố gây nên bất mãn trong tâm trí mình lâu hơn và dai dẳng hơn những cảm xúc tích cực. Bản chất đơn giản của cảm xúc là những gì làm chúng ta đau thì ta nhớ lâu, còn những điều khiến chúng ta vui thì đến và đi nhanh như một cơn gió.

Những người sống tình cảm xem tình yêu là một điều gì đó thiêng liêng, cao cả và rất khó để tìm thấy một tình yêu đích thực. Cho nên khi bản thân đã đạt được đích đến cuối cùng trong tình yêu thì họ nhất định sẽ nắm giữ rất chặt, trao đi tất cả những niềm vui và giá trị tạo ra hạnh phúc cho đối phương mà ít khi mong cầu nhận về những điều tương xứng. Hẳn nhiên, khi người mà họ đặt trọn vẹn yêu thương cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, họ đã xem đó là niềm hạnh phúc cho riêng mình rồi.

Những người sống tình cảm sẽ trân trọng và nâng niu tình yêu một cách mãnh liệt. Rất ít khi họ để cho người mình yêu mất bình tĩnh trong những cuộc xung đột không đáng có. Họ sẽ luôn là người hòa giải trước mặc dù lỗi sai đôi khi không thuộc về họ. Bởi suy cho cùng, họ luôn đặt cảm xúc và sự nhạy cảm của đối phương vào vị trí bản thân để thấu suốt những tâm tình thầm kín trong mỗi cử chỉ hay hành động mà đối phương thể hiện ra.

Đọc thêm: Cảm nhận hạnh phúc trọn vẹn từ trong sâu thẳm tâm hồn

Khi tất thảy những hỉ, nộ, ái, ố đã bị đánh cược vào một cuộc tình mà người sống tình cảm cho là sẽ trở nên viên mãn, trong một vài trường hợp, họ vẫn bị người mình yêu thương hết mực bỏ rơi. Một nỗi đau đớn tột cùng mà chỉ riêng dạng người này mới có thể thấu hiểu cho nhau. Bất kể bên cạnh họ có là gia đình, bạn bè, người thân đem cho bao nhiêu lời khuyên đi chăng nữa thì ở giai đoạn đầu của sự đổ vỡ, người sống tình cảm cũng sẽ “chết đi sống lại” trong cảm xúc tiêu cực của mình một thời gian rất dài. Họ nhịn ăn và thường xuyên “nhịn ngủ” chỉ để hỏi người yêu và cả chính mình một câu hỏi duy nhất: “Tại sao?” Có thể nói lý trí của họ vào lúc này hoàn toàn bị tê liệt và não bộ bị những cảm xúc tiêu cực lấn át mạnh mẽ.

Nỗi đau

Hẳn là chúng ta đã nghe không ít hoặc chứng kiến các trường hợp tự kết liễu mạng sống của mình chỉ vì đổ vỡ và bị bỏ rơi trong tình yêu. Thật đáng mừng nếu chúng ta gặp phải trường hợp đó mà không tìm cho mình một viên thuốc ngủ liều cao hay treo một sợi dây thừng lên trên trần nhà vì chúng ta vẫn còn bình thản ngồi đây trò chuyện cùng nhau về niềm hạnh phúc. Bản năng quý trọng mạng sống của con người mạnh mẽ hơn cảm xúc rất nhiều và nó là một vị thần hộ mệnh đầy quyền năng trong những trường hợp phức tạp như bị tình yêu ruồng bỏ.

Đọc thêm: Tôi luôn thích viết về hạnh phúc

Sẽ không có bất kỳ lời khuyên nào, dù chân thành nhất từ phía người thân của chúng ta tốt bằng một buổi tự mình đắm chìm trong trầm tư mặc tưởng, suy nghĩ về viễn cảnh tương lai hậu chia ly giữa hai con người đã từng là một nửa thế giới của nhau. Nếu chúng ta chọn phương án tự cắt đứt đường sinh mệnh của mình, đối phương sẽ chỉ đến khóc thương trong đám tang và đặt cho ta một vài vòng hoa thương tiếc, có thể vì hối hận nhưng rồi sau đó mọi chuyện sẽ rơi vào quên lãng. Hãy thấy tội nghiệp cho gia đình và chính số phận của mình nếu phải đứng trước một lựa chọn ngốc nghếch như vậy.

Hoảng loạn, sợ hãi và mất bình tĩnh chắc chắn sẽ xuất hiện trong giai đoạn đầu của quá trình đổ vỡ. Người bị bỏ rơi nghĩ rằng mình có thể làm mọi cách để người ra đi có thể quay trở lại. Ở một vài trường hợp, điều đó trở thành sự thật nhưng phần lớn thì không. Đặt giả thiết chúng ta rơi vào tình cảnh phải chịu đựng sự đổ vỡ hoặc chia ly, hãy tự mình tạo nên điều kỳ diệu từ nỗi thống khổ trong tâm hồn. Đừng bao giờ xem thường và bỏ rơi nỗi đau, theo thời gian nó sẽ khiến bản thân chúng ta trở nên kiên cường.

Cuộc sống đòi hỏi ta phải nếm trải nhiều mùi vị khổ sở bởi nếu chỉ luôn mong cầu đạt được nhiều niềm vui và hạnh phúc thì giá trị của hai cảm xúc tích cực đó sẽ bị xem thường. Nỗi đau là chất xúc tác phải có trong quá trình kiến tạo hạnh phúc đích thực. Không có đau khổ, chúng ta sẽ không thấy quý trọng hạnh phúc. Hãy tự hình dung xem, trước khi một nguồn hạnh phúc nào đó đến bên đời ta, cuộc sống của ta vẫn yên ổn và bình an thế nào. Vì bản chất của hạnh phúc là cả một quá trình cố gắng và nắm giữ mỗi khi ta đạt được mục đích, cho nên mất đi rồi thì tâm trạng hẳn nhiên sẽ đau buồn và thất vọng cùng cực, cũng như vật vã nặng nề trong nỗi thống khổ của sự mất mát.

Nhưng suy cho cùng, nếu không trải qua khoảng thời gian được xem là bất hạnh như vậy, những hạnh phúc nối tiếp sau sẽ không thể lâu bền và trọn vẹn. Đắm chìm trong khổ sở và đau đớn của mất mát, hãy cố gắng làm dịu đi tâm trí cùng trái tim mình bằng nỗ lực của sức chịu đựng, nhưng dĩ nhiên là càng sớm thoát ra trạng thái này thì càng tốt, để rồi mỉm cười quay trở về với con đường tìm kiếm hạnh phúc theo một cách tốt đẹp hơn.

Nỗi đau

Khi đã vượt quá giới hạn của sức chịu đựng nỗi thống khổ và niềm đau thương, ta mặc nhiên sẽ thèm cảm giác được sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc, thèm mùi vị của hạnh phúc ngập tràn để từ đó tự tìm cách đặt nỗi đau xuống, một mình lặng lẽ rời đi. Không ai dại dột đến mức cầm mãi trên tay một thứ làm mình chảy máu. Con tim cũng biết đau, cho nên cảm giác làm lòng ta day dứt mãi rồi cuối cùng cũng sẽ đến lúc phải vượt qua. Thời gian sẽ chữa lành tất cả nỗi đau bằng cách lấp đầy những ký ức đã cũ bằng kỉ niệm mới mẻ, vui tươi.

Đọc thêm: Sống với niềm vui mỗi ngày: Nghệ thuật cân bằng

Ngày tháng “nhìn đâu cũng thấy nỗi buồn” thực ra rất ngắn, chỉ cần ta biết tĩnh tâm lựa chọn thời điểm thích hợp để buông tay, giải thoát cho tâm hồn mình bằng sự rời xa khỏi vướng bận nặng lòng, mọi niềm vui xưa cũ dường như được xem là vĩnh cửu cũng sẽ dần phai mờ theo tháng năm. Chúng ta sẽ có một công việc mới mẻ hơn, bạn bè mới tốt đẹp hơn, những mối quan hệ tích cực luôn rộng mở và những món quà ý nghĩa trong các dịp đặc biệt cũng được ta trao đi rồi nhận về.

Tất cả sẽ là một hành trình tái tạo, dù khó khăn luôn là chướng ngại và việc thực hiện một mình thật lắm chông gai, nhưng hãy tin rằng ai trên thế giới nếu đã có tình yêu, tất thảy đều phải trải qua một quá trình như vậy. Khác biệt có chăng là dài ngắn khác nhau, thật khó để một người có được tình yêu viên mãn ngay từ cuộc tình đầu tiên của mình. Đừng bi quan và tỏ ra chán ghét khung trời tươi sáng trước mắt, những niềm hạnh phúc vẫn đang ở phía xa đợi chúng ta vượt qua đau thương và tiến lên phía trước. Hãy sống lạc quan với tâm thế của một người sinh ra để trải nghiệm, rồi tất cả sẽ giúp chúng ta trưởng thành.

– Trương Di

Your Homie

Để lại một bình luận

Lên đầu trang